Mẹ, thơm một cái
Phan_3
Xù gọi điện đến hỏi thăm, dặn dò tôi phải dũng cảm.
Mấy tuần trước, Xù và tôi lại trải qua không ít sóng gió, nhưng cô ấy rất hiểu mẹ quan trọng với tôi thế nào.
“Anh nghĩ những gì hiện tại anh đang viết không phải là truyện ốm đau tật bệnh, mà là truyện đồng hành sẻ chia. Anh cảm thấy khi viết truyện về mẹ, tâm trạng được nguôi ngoai, lòng can đảm không biết từ đâu cũng nảy ra.” Tôi nói, đồng thời nhận thấy thật ra là mẹ đang đồng hành với tôi.
Nhớ đến Châu Đại Quan.
Khi hoạt động sáng tạo con người sẽ mang lại sức mạnh cho bản thân, cũng mang đến sức mạnh cho người xung quanh. Ít nhất là tôi mong đợi ở tác phẩm của mình như thế. Ở bên mẹ và viết hồi ức về gia đình này, ngoài giải tỏa những lo buồn, áp lực nặng nề khôn nguôi cùng nỗi xót xa thương mẹ, tôi càng mong sao chuỗi hồi ức động viên san sẻ lẫn nhau này cũng mang đến thêm sức mạnh cho mẹ.
Đối với một người hết lòng coi trọng gia đình như mẹ, những ghi chép đồng hành này có thể khiến mẹ hiểu được “ý nghĩa” của mình trong lòng mỗi người chúng tôi, chứ không chỉ là sự “quan trọng” một cách mơ hồ và hình thức.
Tiếp theo, tôi nghĩ nên giải thích về cái mà tôi vẫn hay nói đến, xe đạp của mẹ tôi.
Mẹ không biết đi xe máy, không biết lái ô tô, chỉ biết sử dụng phương tiện học được từ thời cắp sách là xe đạp. Vóc dáng mẹ nhỏ bé, chỉ có 1m45, mỗi khi muốn phanh xe phải nhẹ chân nhảy xuống đất, đi trên đường rất dễ nhận ra.
“Mẹ ơi, ngoéo tay nhé. Nếu con thi đậu đại học công lập, mẹ phải tập đi xe máy.” Thằng út là người cuối cùng trong nhà tham gia thi đại học, sức học của nó làng nhàng, khiến cho hứa hẹn giữa mẹ với nó bao gồm rất nhiều thứ: đi xe máy, đánh cờ tướng, chơi bài poker, đánh mạt chược, v.v…
Về sau cậu út đột phá thực lực, đậu vào khoa Giáo dục kỹ thuật trường Sư phạm, mẹ cũng tập đi xe máy thật. Nhưng chính đêm đầu tiên tập xe máy, mẹ đang cố gắng điều khiển chiếc xe Honda 100cc như con robot trên đoạn đường nhỏ trước nhà, không kịp nhấn phanh, từ từ đâm vào một chiếc taxi. Mẹ chỉ bị sây sát nhẹ, nhưng từ đó không bao giờ dám tập xe nữa.
Nên mẹ vẫn chỉ đi chiếc xe đạp của mẹ.
Trong trí nhớ tôi, xe đạp của mẹ chưa bao giờ mới, và thời gian mẹ không ngồi lên yên xe còn nhiều hơn thời gian thật sự đạp xe. Hồi cấp một, hôm nào ba lười, mẹ lại dắt xe đi bộ, thồ anh em tôi đi học. thật ra nhà tôi cách trường tiểu học Dân Sinh không xa, khoảng 1km. Nhưng mẹ không yên tâm, nhất là dạo đó “vụ án bắt cóc Lục Chính” đã làm kinh hoàng mỗi người mẹ Đài Loan.
Thay nhau ngồi trên xe đạp của mẹ, chúng tôi từ từ đi qua hai tiệm thịt viên nổi tiếng nhất Chương Hóa, đi qua con phố bán quần áo cũ và khu chợ quà vặt gần bến xe. đi tiếp một lúc, gặp tiệm mì thịt bò thì rẽ trái, sau đó phải cẩn thận băng qua bên kia đường lớn, đi vào hai con ngõ nhỏ gần trường. Cặp sách lóc xóc trong giỏ xe của mẹ, lúc này trong lòng tôi bắt đầu ngượng ngùng.
Hồi đó, hầu hết trẻ con đều không thích bị “mất mặt trước bạn bè”, để cho bố mẹ đưa đón đi học chứng tỏ bị cưng chiều quá, thiếu chững chạc. Càng đi với mẹ đến gần trường, tôi càng sợ bị bạn bè nhìn thấy, bụng dạ thon thót, cho nên nhất quyết không chịu ngồi trên xe khi đã đến gần trường. Mặc dù khó chịu, nhưng tôi rất hiểu mẹ yêu mình, nên không gào thét cự tuyệt sự đưa đón ấm áp của cha mẹ như lũ bạn bè, chỉ xấu hổ đến mức siết chặt nắm tay.
Mâu thuẫn ở chỗ, khi mẹ đưa đến cổng trường, chúng tôi lại rất tự nhiên thơm lên má mẹ một cái.
“Tạm biệt mẹ nhé.” Chúng tôi chào thân thiết.
“Nhớ ngoan nhé, đừng để thầy viết vào sổ liên lạc!” Câu thứ hai của mẹ hầu như là nói với riêng tôi. Cuộc đời tiểu học của tôi trôi qua trong nỗi sợ liên tục bị giáo viên ghi sổ liên lạc.
Tiểu học Dân Sinh có ba cái cổng. Mỗi anh em cách nhau hai tuổi, nên chỗ tạm biệt mẹ cũng khác nhau. Còn nhớ khi tôi mới lên lớp năm không lâu, anh cả đã lên cấp hai, còn thằng út đã vào cái cổng khác của trường. Cái ngày quan trọng đó, một mình mẹ đưa tôi đến cổng chính, dặn dò mấy câu rồi dắt xe chuẩn bị quay đi.
“Mẹ, vẫn chưa thơm mà?” Tôi ngỡ ngàng.
“Lớn rồi đấy, không cần thơm, mau đi vào đi.” Mẹ nói, hơi xấu hổ.
Mắt tôi chợt đỏ hoe, nước mắt nhạt nhòa, đi vào trường mà chực bật khóc.
Bỗng mẹ gọi tôi lại, tôi sải bước tới chỗ mẹ, nước mắt lưng tròng.
“Được được, lại đây.” Mẹ bảo, rồi để tôi “mổ” hai phát lên má.
Về sau, hai cái thơm đó trở thành hình ảnh kinh điển được mẹ không ngừng kể cho họ hàng cô bác nghe, và cũng là thời khắc cảm động nhất trong ký ức của tôi.
Về sau, anh cả lên cấp ba, cho “phục viên” chiếc xe đạp nữ màu xanh nước biển có giỏ trước, mẹ bèn tiếp nhận, và tiếp tục loạng quạng đi lại hơn chục năm. Trong giỏ thường chất đầy thức ăn và đồ dùng hằng ngày, có những lúc nặng đến kinh ngạc.
Nhưng chúng tôi ai cũng cao hơn và nặng hơn mẹ, không còn ngồi trên xe để mẹ từ từ dắt đi nữa.
Hình ảnh đón đưa ấm áp mỗi ngày rất đỗi đời thường đó, mặc dù không có bức ảnh nào ghi lại nhưng tôi đã nói rồi, trên đời này không có gì trùng hợp ngẫu nhiên, tất cả sự việc đều khớp vào nhau như bánh răng, đều có lý do quan trọng để tồn tại. Ký ức của tôi về mẹ cứ tươi roi rói, chắc chắn là để lưu giữ những thời khắc cảm động như vậy.
22 giờ tiệm thuốc đóng cửa. Ba đến rồi.
Ba gặp mẹ rất vui, sau đó cứ từng chập “thỉnh giáo” mẹ vị trí của rất nhiều thứ trong nhà, toát lên vẻ lưu luyến.
“Chỉ muốn đem bà về nhà, làm mẫu một lượt.” Ba than thở, rồi ôm mẹ rất tình cảm.
Mẹ gặp vấn đề sức khỏe lần này, trước khi đi bệnh viện kiểm tra, ba toàn khóc, làm cho mẹ cũng không cầm nổi nước mắt.
Nhưng nước mắt của ba có ý nghĩa to lớn với mẹ, mẹ đã để lại hình bóng vất vả chịu thương chịu khó nhất trong cuộc đời ba.
Lại chỉ còn mình tôi bên mẹ.
Trong ánh sáng yếu ớt, tôi chậm rãi đọc nốt những chương cuối của truyện Tầm Tần Ký.
Lúc này tôi bất giác nghĩ đến thằng út đã về Đài Bắc học, hơi lo cho nó. một mình nó giữa Đài Bắc trống trải, chắc chắn rất cô đơn. Lúc đi ngủ chắc chắn rất khổ sở.
đang miên man nghĩ thì thằng út gọi điện thoại chúc mẹ ngủ ngon.
Thằng tôi lúc này, rất mừng cho mình được ở bên cạnh mẹ.
25/11/2004
Sáng sớm anh cả đến trực thay. Tôi lên tàu đi Đài Bắc.
Buổi chiều hẹn chụp cộng hưởng từ ở đại học Y khoa Đài Bắc, kiểm tra mức độ đau thần kinh tọa của tôi xem đã đạt ngưỡng đi nghĩa vụ thay thế vì lý do sức khỏe[1] hay chưa. Ngày mai đến nhà trọ ở Bản Kiều gửi xe máy và áo quần mùa đông về Chương Hóa. Ngày kia thì đến nói gì đó trong buổi tọa đàm ở đại học Sư phạm. Nếu có chuyện hay ho xảy ra, sẽ ở lại thêm một ngày Chủ nhật ở Đài Bắc.
[1] Những nam thanh niên đến tuổi mà vì lý do sức khỏe không thể tham gia nghĩa vụ quân sự ở Đài Loan, sẽ được áp dụng nghĩa vụ thay thế, tức là chỉ cần tới làm việc trong các cơ quan chính phủ, không phải nhập ngũ.
Thế rồi, hôm nay tôi vẫn quên gọi điện thoại cho ông đạo diễn, tệ thật. Nghiêm trọng nữa là, bây giờ đã nhớ ra việc đó tôi lại chẳng có sức lực thực hiện.
Mấy hôm nay nhiều việc đột ngột, áp lực tâm lý khiến cơ thể dễ mệt mỏi. Ngồi trên con tàu Tự Cường đi Đài Bắc, lần hiếm hoi đôi tay tôi đã bỏ thói quen duy trì suốt ba năm nay, không lách cách viết truyện trên đầu gối nữa. Tôi ngủ khì khì.
Đến đại học Y khoa Đài Bắc lấy tích kê khám, nút chặt hai lỗ tai, bắt đầu một việc mới chỉ từng thấy qua phim ảnh, là kiểm tra cộng hưởng từ.
Tôi nằm yên trong một không gian kín bưng, lúc thì yên lặng như tờ, lúc lại ầm ầm ù ù. Dần dà lại muốn ngủ say một trận, đáng tiếc là tôi chán quá hé mắt ra một lần, phát hiện mình đang ở trong một không gian chật hẹp, mặc dù đã nhắm mắt ngay lại, nhưng toàn thân lập tức căng lên cảm giác ngột ngạt không sao chịu nổi.
Hình như tôi đã ngọ nguậy và kêu một tiếng, chỉ muốn thoát ra ngoài lấy không khí.
Bấy giờ tôi mới hiểu ra trong phiếu điền trước khi kiểm tra, do đâu mà có một mục rất nực cười: “nếu người bệnh không thể nằm yên, đề nghị thông báo trước cho nhân viên hộ lý”. Hóa ra không hề mang ẩn ý “xin lỗi nhé, tôi nghịch lắm, nên không làm theo yêu cầu được.” Mà là “mẹ kiếp, tôi là hội viên cấp cao của câu lạc bộ sợ buồng kín.”
Những thứ tôi sợ quả thực là quá nhiều. Cuộc đời tôi dường như là quá trình phát hiện, tích lũy những thứ mình sợ. Sợ độ cao, sợ ma, sợ người khác không tin mình, sợ mình không được ôm Puma lúc nó qua đời, sợ gãy mất đôi tay trị giá hai trăm triệu, sợ cắt bao quy đầu của mình hoặc người khác.
Nhưng tôi có thể khẳng định rằng, tôi sợ nhất là không có mẹ.
“Việc gì các con cũng phải bàn bạc với nhau đàng hoàng nhé… dù cuối cùng mẹ có qua khỏi hay không.” Tối qua lúc ăn cháo mẹ tự nhiên nói như vậy, hại tôi choáng váng một trận.
Mẹ! Mẹ đừng dọa con như thế.
Xem lại những dòng đã viết về việc chăm nom ngày hôm qua. Từ những giao hẹn của mẹ với thằng út, có thể thấy mẹ có rất ít thú vui.
Nhưng ít thú vui thật ra là vì quá nhọc nhằn vất vả, khiến thời gian dành để bồi đắp thú vui trở nên hết sức khan hiếm. Nếu có thời gian rảnh, mẹ cũng lựa chọn đi ngủ. Mẹ bảo chẳng có gì sánh bằng được một giấc ngủ ngon.
Mẹ thực sự cần nghỉ ngơi.
sự việc lần này thật ra không phải không có dấu hiệu cảnh báo. Mẹ dễ bị đau đầu, kém ăn, đau dạ dày, nhức mỏi toàn thân, đêm khuya khó ngủ, tay run v.v… Tách riêng những hình ảnh khổ sở đau đớn này ra xem xét thì rất giống bệnh lao lực thông thường, dễ cho rằng chỉ cần thuốc bình thường là giảm đau mỏi, thành ra cũng dễ chủ quan. Nhưng nếu kết hợp toàn bộ những đau đớn mệt mỏi kia lại, thì sự thật đằng sau nó lại khủng khiếp đến thế.
Hoặc là, diễn biến một cách khủng khiếp như thế.
Điều khiến anh em tôi ăn năn nhất là, lại cũng nhờ vào sự cảnh giác và năng lực của mẹ, mới có thể sớm phát hiện ra sự thật nguy hiểm đằng sau những đau đớn đó, nếu không thì không biết hậu quả ra sao.
Tôi cảm nhận sâu sắc rằng, phận làm con, nên biến lòng quan tâm thành hành động thực tế.
Ba mẹ hễ có gì không ổn, con cái không nên chỉ quan tâm nhắc nhở nơi đầu lưỡi, mà hãy ráng sức bê ba mẹ chạy thẳng ra bệnh viện kiểm tra. Những “câu chuyện nhỏ ý nghĩa lớn” nhan nhản này, ai cũng đã nghe đến phát ớn, nhưng khi chính mình trải qua lại rất xa lạ.
Điều quan trọng hơn nữa là, có những ước mơ đơn giản có thể bắt tay thực hiện, chứ đừng để ở “tương lai có thể nhìn thấy”. Nếu có thể thấy trước, thì tương lai đã mất đi định nghĩa thực sự rồi.
Lâu nay vẫn muốn đưa mẹ, vốn chưa bao giờ xuất ngoại, đi chơi đâu đó, và cũng chưa bao giờ quyết tâm thực hiện. Mẹ lúc nào cũng bảo công chuyện ở tiệm thuốc rất bận, thêm một ngày cho nó là thêm một ngày thu nhập. một suy nghĩ rất truyền thống và thực tế. Đối với một gia đình lâu nay vẫn gánh khoản nợ tiền triệu, mẹ luôn gắng sức tiết kiệm. So sánh như vậy khiến tôi cảm thấy ăn năn, nhất là nhìn thấy đôi giày của mẹ đã đi từ rất rất lâu.
Có một lần tôi cố ý mua một đống voucher của giày da ASO, định bụng sẽ bảo là tiền đằng nào cũng xài rồi, thể nào mẹ cũng phải đồng ý mua đôi giày mới. Kết quả lôi được mẹ ra tiệm giày da ASO để lựa giày, mới phát hiện ra chân mẹ nhỏ hơn cả tưởng tượng của tôi. Lục lọi cả tiệm không ra đôi nào vừa.
“không sao cả, chúng tôi có dịch vụ đặt làm riêng theo kích cỡ mà.” cô gái bán hàng quan tâm gợi ý.
“Cảm ơn nhé, không cần đâu.” Mẹ từ chối, quay sang bảo tôi: “Mấy voucher này để dành cho ba với thằng út.” Cuối cùng thằng út đã dùng thật.
Có lúc hò hẹn với Xù, ăn cơm bình dân ngoài trời hít khí lạnh, tôi bèn nghĩ, hôm nào phải thuyết phục mẹ đi ăn tiệm với con trai. Nhưng mẹ chỉ cần ăn McDonald hoặc KFC đã hài lòng. Nếu mở mồm mời mẹ đi ăn gì đó nhiều tiền một chút, tôi lại sợ sẽ bị mẹ trách mắng, nên chẳng dám đả động.
một mâu thuẫn rất chua xót. Có lúc nghĩ đến tôi thấy sống lưng ớn lạnh.
“Mẹ ơi, sau này ở với con, mẹ chỉ cần chịu trách nhiệm xem HBO và đi ngủ thôi nhé.” Lúc ngồi nhà viết truyện, thỉnh thoảng tôi nói với mẹ như thế.
“Được rồi, được rồi.” Mẹ luôn trả lời như vậy, với một nụ cười.
“Mẹ ơi, mấy khoản nợ nần đó chẳng đáng gì. Mẹ đẻ ra ba thằng, nên nợ gì cũng chia ba là đơn giản vô cùng. Chỉ cần vài năm nữa, bọn con tốt nghiệp và hoàn thành nghĩa vụ quân sự xong, sẽ một phát trả hết sạch.” Từ thời đại học, tôi đã bắt đầu an ủi mẹ, “Sau đó mình có thể mua nhà mới.”
Dường như mẹ chưa từng nghi ngờ điều tôi nói, cảm thấy rất mãn nguyện về sự đoàn kết của ba anh em tôi.
Nhưng còn bao lâu nữa, mới đến ngày mẹ an hưởng nhàn rỗi, tôi ngồi viết truyện trong tiệm cà phê còn mẹ ở bên cạnh xem tạp chí?
Nếu chỉ có kế hoạch, mà không có “khao khát thực hiện ngay lập tức”, thì mãi mãi chỉ là kế hoạch.
Đời người có quá nhiều thứ xứng đáng trở thành cái cớ, phải đi học, phải làm thêm, phải đi làm, phải thương thảo hợp đồng, mỗi lý do đều đường hoàng nghiêm chỉnh, đều là những cái gọi là “việc chính”. Và như dự đoán, đại đa số mọi người đều lựa chọn bỏ lỡ cống hiến. Để rồi bất giác cuộn vào trong cái kén hối hận do chính mình nhả ra, mãi mãi bị giam cầm trong đó.
Có hai loại cảm xúc “cực đoan” sẽ ám ảnh con người suốt đời.
một là sự hổ thẹn vì lòng tự trọng bị cưỡng đoạt, hai là sự hối hận lắng kết không ngừng.
nói theo kiểu tiểu thuyết, hai thái cực cảm xúc đó, một cứng một chậm, sẽ lần lượt tạo ra hai loại người rất cực đoan. Nếu xảy ra tình cảnh “con báo hiếu mà song thân còn đâu nữa…” thật khó tưởng tượng tôi sẽ làm sao ngăn nổi nước mắt, cũng không biết liệu tôi có vì quá đỗi mất mát mà đánh mất phần lớn cảm xúc hay không. Nhưng những thất vọng đó cũng không thể so sánh với việc đã không thể thỏa mãn hạnh phúc mà mẹ mong mỏi.
Vì vậy, tôi phải phá vỡ cái kén. Mỗi đứa con đều phải phá vỡ cái kén.
Nhưng phần lớn mọi người đọc tới chương này, cảm nhận được cái kén sờ sờ trước mặt, vẫn sẽ không nhấc điện thoại gọi về nhà.
Bởi vì luôn có “việc chính” phải làm.
26/11/2004
Tối qua là thứ Năm, theo kế hoạch, phải đăng tiểu thuyết mới lên mạng.
Tôi thấy rõ ràng, trong thời gian không ở bên cạnh mẹ, cuộc sống cần chậm rãi nhẹ nhàng hết mức, phải thả lỏng được tinh thần và cả thể xác đang trong tình trạng cảnh giác cao độ, nếu không sớm muộn thân thể cũng xảy ra chuyện. Sức khỏe mà có chuyện, thì không thể chăm sóc mẹ, nguồn lực trong nhà sẽ thiếu khuyết, người khác phải vất vả hơn mà lại còn làm mẹ lo lắng. đã sang mùa đông, mấy hôm nay trở lạnh rõ rệt, lại còn mưa. Nhất định không được cảm lạnh.
Bên cạnh công việc giữ sức khỏe, thả lỏng còn để ổn định nữa.
Từ phút đầu tiên sau khi có kết quả xét nghiệm của mẹ, tôi đã quyết định phải duy trì cuộc sống trong nhịp điệu ổn định. Cần viết vẫn cứ viết, mặc dù từ khi sáng tác đến giờ tôi gần như không hề gặp cái gọi là vấn đề về cảm giác, nhưng sự trôi chảy trong sáng tác rất có thể đã được duy trì nhờ thói quen tốt từ bao năm tháng tích lũy, hễ ngừng nó lại, sau này phục hồi thế nào, tôi chẳng dại gì đi lãnh ngộ lần nữa.
Muốn xuất bản dài kỳ Truyền kỳ về thợ săn mạng sống, bắt buộc sáng tác phải đi trước ba tập, tôi mới xử xong một tập, phải tiếp tục chiến đấu. Mẹ quan tâm nhất là sự học của bọn tôi, vì vậy tôi cũng phải gửi bản thảo luận văn cho giáo sư hướng dẫn nhận xét.
sự ổn định này nhờ vào những người liên quan đến tôi, giúp tôi duy trì, vì thế ngay lập tức tôi thông báo bệnh tình của mẹ tới những bạn thân, các đối tác thân thiết trong công việc, để họ biết tình hình của tôi.
Tại vì hai ngày trước hôm mẹ nhập viện, trong nhà có thêm một chú cho con Kurumi (lấy tên từ một bài hát của Mr. Children), mới chưa đầy hai tháng tuổi. Lúc này việc chăm sóc nó thật là “lực bất tòng tâm”, đành nhờ người bạn tên Hòa nhà cũng mở tiệm bán thuốc chăm giúp mấy ngày, nhân tiện huấn luyện nó biết đi tè ngoan. (Xin lỗi nhé, Hòa ơi, nghe nói Labrado lúc bé thích cắn các thứ lắm!)
Khi từ bệnh viện về nhà để cắt tóc và trám răng, hễ có mạng là tôi gửi thư cho các nhà xuất bản liên quan, bảo cho họ biết việc mẹ tôi mắc bệnh, nhắc họ nếu có kế hoạch quảng bá, viết trang bìa, hoặc thảo luận hội nghị v.v… thì gọi thẳng cho tôi, định làm gì đều phải báo trước để tôi sắp xếp thời gian.
Nhưng mà, chỉ một mình tôi ổn định cũng vô ích, mỗi người trong nhà đều cần mau chóng thích nghi phải làm thế nào với những tháng ngày không có mẹ. Từ đơn giản như giặt giũ phơi phóng, nấu cơm, cho tới phức tạp như kinh doanh tiệm thuốc.
Đây là một trận chiến trường kỳ gian khổ. Mỗi người đều phải học cách làm thế nào “vừa không xa rời lý tưởng, vừa chăm sóc được mẹ”. sự ổn định này sẽ thể hiện rõ nhịp điệu của nó sau không đầy một tháng tới, tôi mong vậy.
một ngày của tôi có khoảng 2 tiếng đồng hồ trôi qua trên mạng, trao đổi, trả lời thư, đăng truyện. Sau khi vào bệnh viện chăm mẹ, thời gian lên mạng thu hẹp rất nhiều, nhưng bạn bè và độc giả đã “thương thì củ ấu cũng tròn”, khiến tôi thấy rất ấm áp khi trải qua những giây phút ngắn ngủi trên mạng.
Đọc được rất nhiều lời khuyên của mọi người đối với chữa trị và chăm sóc bệnh ung thư. Chẳng hạn ăn gì để duy trì thể trạng kiềm nhẹ (nghe nói tế bào ung thư không tồn tại được trong môi trường máu kiềm nhẹ), làm sao căn cứ vào danh mục bảo hiểm chi trả và tự chi trả tìm được đơn thuốc chống nôn và kinh phí nằm viện phù hợp nhất với bệnh nhân. Các thông tin tư vấn cần lưu ý quả là khổng lồ, trong đó còn có bạt ngàn cách chữa mẹo, bài thuốc dân gian và phương pháp tôn giáo như khí công, trường sinh công v.v…
Có lá thư của một người bạn trên mạng làm tôi rất xúc động. Anh ấy nói đang cùng bạn bè tu đạo, có thể tập trung năng lượng thành quả cầu ánh sáng truyền cho mẹ tôi, hy vọng tôi có thể cung cấp họ tên và địa chỉ của mẹ v.v… Tôi đọc xong, phản ứng đầu tiên là “Á! KUSO[1]” Nhưng sau đó là niềm xúc động khó tả. một KUSO rất chân thành đã đốn tim tôi hoàn toàn.
[1] một cách chửi tục trong tiếng Nhật, nghĩa là “cứt!”.
Trước khi ngủ còn vào website PTT tìm thấy một chủ đề thảo luận về ung thư, đọc rất nhiều chia sẻ của những người nhà bệnh nhân, những kiến thức trên mạng quả là rất rất nhiều, lơ là một chút đã tới 2 giờ sáng. Hôm nay ngủ suốt chặng đường đến trưa. Tệ hại thật, thói quen ngủ sớm dậy sớm khó khăn lắm mới rèn được nhờ việc chăm sóc mẹ đã tan tành mây khói. Lại phải điều chỉnh từ đầu.
Vẫn ở Đài Bắc.
Buổi tối hẹn hò với Xù, lựa chọn phương thức hiệu quả nhất để giải tỏa tình cảm: xem phim. Hai đứa rất tâm đầu ý hợp lựa chọn bộ phim kinh dị đầy máu me Run rẩy, thật ra cũng vì chẳng có phim nào hay. Tuyệt đỉnh công phu của Châu Tinh Trì còn phải đợi đến cuối tháng Mười hai mới chiếu.
Run rẩy hình như nói tiếng Pháp? không quan trọng, bởi vì cảnh máu chảy thành sông thì ngôn ngữ nước nào cũng chỉ còn lại tiếng gào thét kinh hoàng nguyên thủy nhất. Run rẩy là một phim hay, rất sáng tạo, chiếm lĩnh toàn bộ tâm trí của tôi suốt 90 phút.
Xù cũng xem trọn bộ phim qua kẽ ngón tay, mắt nheo lại chỉ còn một sợi chỉ. Nếu không quen một con nghiện phim như tôi, chắc Xù chỉ “kinh nhi viễn chi” với loại phim kinh dị này.
28/11/2004
Việc ở Đài Bắc tạm khép lại một giai đoạn. Để sau sẽ nói về buổi thuyết trình ở đại học Sư phạm và phát biểu cảm tưởng nhận giải sáng tác một triệu.
Ngày mai là ngày cuối cùng của đợt hóa trị liệu đầu tiên. Người bình thường có khoảng 10000 bạch cầu/mm3 máu, khi mẹ mắc bệnh vọt lên 20000, nhưng sau khi hóa chất có tác dụng, chỉ còn 600.
Cũng có nghĩa là, sức đề kháng của hệ miễn dịch của mẹ bây giờ rất yếu. Trông nom mẹ phải rất cẩn thận, không được để mẹ bị cảm cúm hoặc lây nhiễm vi khuẩn. Phải luôn trang bị khẩu trang giấy và nước sát trùng. Tình hình này phải từ chối mọi thăm hỏi, trừ người thân đến trông nom. Vì vậy, người bạn trên mạng muốn dùng năng lượng chữa bệnh cho mẹ tôi ở cự ly gần chắc phải chờ một thời gian nữa.
Đương nhiên, đối tượng cách ly cũng bao gồm người trong nhà. Thằng út mặc dù đã về Chương Hóa, nhưng không may bị cảm, thế là tạm thời thiếu mất một hộ lý có thể điều động. Dĩ nhiên không được mắng mỏ thằng út, nhưng phải đề nghị nó “đừng có tái phạm!”
Mấy hôm nay ở Đài Bắc, gửi được xe máy và hai thùng to quần áo mùa đông về nhà. Sau đó chờ đến Chủ nhật lễ trao giải Truyện phim Comic một triệu, tổ chức ở khu số ba Trung tâm thương mại thế giới. Nhưng anh cả từ Chương Hóa báo tin xấu, làm tôi vừa lo lắng vừa giận dữ.
Nhằm ngăn chặn mọi nguồn lây nhiễm, ngay sau hôm tôi lên Đài Bắc mẹ đã chuyển từ phòng bốn người sang phòng hai người, định là được yên tĩnh hơn, ít người sử dụng không gian công cộng, nhưng cuối cùng lại hoàn toàn trái ngược. Ông cụ cùng phòng nôn ra máu rất nhiều, tiếng cấp cứu, tiếng máy thở không dứt, làm cho không khí đầy ắp căng thẳng chỉ chực chờ xảy ra điều gì nguy hiểm. Mặc dù tâm lý và giấc ngủ của mẹ không tránh khỏi bị ảnh hưởng, nhưng người mắc bệnh phải thông cảm cho nhau, không có gì phải nói.
Thế nhưng, người nhà của ông cụ chẳng khác gì đám khách ngồi dai mà lại vô duyên, như tổ chức cả một cuộc thi diễn thuyết trong không gian nhỏ bé của phòng bệnh, to tiếng sai khiến nhân viên y tế thông trực tràng, chỉ huy quy trình cấp cứu, buôn chuyện đâu đâu trong điện thoại với người khác, còn tùy tiện sử dụng nước rửa tay của nhà chúng tôi mua đặt trong toa lét. Nghe anh cả nói, đến nửa đêm tiếng ồn ào vẫn không hề thuyên giảm, làm cho huyết áp của mẹ tăng vọt, tâm trạng rất xấu.
Tại nhà kia lúc nào cũng mồm miệng oang oang, nên cả anh trai lẫn mẹ tôi đều rất rõ bệnh tình của ông cụ. Ông cụ ốm sắp chết, nhưng người nhà vẫn chờ giờ tốt để cho ông ra viện về nhà. Cho rằng con người vãng sinh tại nhà vẫn tốt hơn, nên mặc dù ông cụ đã mất ý thức, xuất huyết nhiều, đám khách ngồi dai chẳng mảy may nao núng; cấp cứu vừa mới ổn định, lỡ mất giờ tốt, lại chờ lần nữa. Buổi tối cũng không ra viện, sợ xui xẻo.
Mẹ khó chịu, anh cả càng chịu không nổi. Nhưng mâu thuẫn với người nhà của bệnh nhân cùng phòng là một việc hết sức ngu ngốc, anh cả đành lịch sự nhắc nhở nhà kia là mẹ cần được nghỉ ngơi, thì họ lại mát mẻ nào là “Nếu sợ ồn thì sao không chọn phòng đơn?” “Chỗ này là bệnh viện, làm sao mà không ai được nói gì được?”… Về sau ngày càng lớn tiếng, càng tùy tiện, gọi y tá đến thì họ lại cao giọng “Chúng tôi chẳng làm gì cả, người ta quá khó tính!” v.v…
Sau nữa lại có một đứa bé gái là cháu nội ông cụ, cứ thế gào lên với ông cụ đang hôn mê: “Ông ơi! Ông ơi!” Kêu đến khản giọng, nhưng không thấy tí đau buồn nào.
Chuyện thế này tôi chưa nhìn tận mắt đã giận sôi gan. Nếu không vì tôn trọng mẹ, chắc anh cả đã định dãn gân dãn cốt một tí. Nếu có Cáp Bổng[1], chắc tôi cũng muốn “đại ca” chiếu cố đám khách dai kia. Bằng không, thì lấy tờ giấy trắng kẻ bảng rồi đến gần hỏi: “Xin lỗi, có phải cuộc thi đoạt cúp ồn ào nhất bệnh viện lần thứ hai đang diễn ra ở đây phải không ạ? A, chú không phải là vô địch giải lần trước à?”
[1] một nhân vật trong truyện Cáp Bổng truyền kỳ của Cửu Bả Đao, là một giáo viên đồng thời là người đứng đầu đám lưu manh.
May sao, đề nghị đổi phòng của chúng tôi mau chóng được chấp nhận, mẹ được thằng út dìu sang căn phòng đôi mới, thật yên tĩnh. Còn anh cả cũng chỉ chửi đám khách dai kia vài câu gọi là. Chúng tôi vừa rời đi đã có một bệnh nhân chuyển đến cùng phòng với đám khách dai, nhưng chỉ hôm sau đã dọn khỏi đó. Hoặc có thể nói là bỏ chạy khỏi đó.
Về sau mới biết, đám khách dai vốn là ở phòng đơn, nhưng chắc chi phí quá đắt mới chuyển sang phòng đôi, rồi ồn ào náo loạn lên để đuổi bệnh nhân khác đi. một phương pháp thô lỗ để có được phòng đơn giá rẻ.
nói thật, tôi rất thương cho tình cảnh ngắc ngoải hấp hối của ông cụ, có nên tiếp tục cứu nữa không tôi không có ý kiến, các bác sĩ y tá bị chỉ huy thế nào tôi cũng chỉ biết bối rối. Nhưng tôi không bao giờ đồng ý cái trò bố láo biến bệnh viện thành nơi tổ chức party thăm hỏi.
Chẳng ai muốn ốm đau, người nhà cũng cần thông cảm lẫn nhau. Người bệnh rất cần nghỉ ngơi, dù không phải là người nhà anh. Bắt nạt mẹ tôi, tôi sẽ chẳng thèm để tâm khi máy thở của ông cụ nhà các người bị hỏng đột ngột.
Lòng cảm thông cũng chẳng phải phẩm chất gì cao cả cho lắm, chỉ là điểm xuất phát của lòng tốt cơ bản nhất trong linh hồn một con người. không biết cảm thông, thì nên chui vào thùng rác mà tìm phân loại của mình, xem là loại đốt được hay không đốt được, loại tái sử dụng hay không tái sử dụng được.
Lưu địa chỉ wap để tiện truy cập lần sau. Từ khóa tìm kiếm: chatthugian